
Vườn nhà Dũng: “Dũng muốn trồng cà phê chất lượng dưới những tán rừng”
Điểm dừng đầu tiên của hành trình “trở về nơi cà phê lớn lên” là cuộc gặp gỡ với Dũng ngay tại khu vườn của cậu ấy. Sau chuyến xe hơn 7 giờ đồng hồ từ Đà Lạt xuống Đắk Lắk, tôi được Dũng đón vào buổi chiều nắng hanh khô bao phủ vùng Krông Năng.
Ngày hôm sau, Dũng dẫn tôi đi tham quan khu vườn cà phê. Theo bóng mặt trời, chúng tôi bước nhanh cùng những câu chuyện Dũng kể:
– Ngày xưa Krông Năng là một trong những vùng đất bazan tốt nhất của Tây Nguyên, điều này đã được người Pháp kiểm tra chất lượng và đánh giá. Bởi, là vùng đất hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa kết hợp với những cánh rừng già nguyên sinh, ngôi rừng cổ đại đủ các giống loài, hệ sinh thái động – thực vật phong phú. Tất cả bổ trợ nhau tạo nên một vùng đất phì nhiêu màu mỡ. Đâu dễ gì người Pháp mang cây cà phê về đây phải không, họ đều có sự nghiên cứu và đi trước chúng ta cả mấy chục năm.

Giọng Dũng trầm, đều, từ từ giải thích. Tôi bước chân thoăn thoắt, tay cầm máy ảnh chụp nhanh mọi khoảnh khắc, dóng tai nghe chuyện rồi chẳng ngừng “ồ, à” vì những điều được Dũng chia sẻ.
Dũng tiếp tục:
– Trà nhìn thấy phía xa kia không, một cây muồng già còn sót lại. Ngày trước thì nhiều lắm còn bây giờ chẳng còn bao nhiêu nữa. Khi con người đến đây khai hoang, điều họ quan tâm là lấy đất và chặt những cây to lấy gỗ.
Dũng thoáng chút ngậm ngùi như những người trải đời kể về mất mát tuổi trẻ. Dũng còn quá trẻ mà – Tôi ngẫm giật mình, dù bằng tuổi nhau nhưng cái thấu hiểu tự nhiên và cuộc đời của Dũng khác xa tôi nhiều quá. Theo câu chuyện của Dũng, tôi cũng bùi ngùi, một chút nuối tiếc về nguồn tài nguyên mà mẹ thiên nhiên ban tặng nơi đây.
Bước vào khu vườn, Dũng mân mê phiến lá cà phê, những bước chân tưởng như chẳng nỡ làm đau đám cỏ xuyến chi, rồi nhìn về những tán cây cao đang tỏa bóng. Tôi cảm giác như mình bị khu vườn “nuốt chửng”.
– Khu vườn của Dũng khác mọi người xung quanh quá, bước vào xanh mát… và có nhiều bụi cỏ bám theo. Dũng định hướng canh tác nơi này thế nào?
– Dũng muốn hồi sinh rừng nguyên sinh xưa kia, trồng cà phê chất lượng dưới những tán rừng. Dũng muốn tạo nên hệ tương tác giữa cây cối, động vật còn mình thì phụ vào một chút. Mọi thứ hãy để tự nhiên làm chủ và chúng sẽ biết cách sắp xếp mọi thứ. Trước kia vốn dĩ là như vậy, bây giờ Dũng cũng mong tìm lại được điều đó.

Dũng quan sát mọi thứ xung quanh rồi nói thêm:
– Ở vườn, Dũng không trồng độc canh. Cây cao che bóng và làm bộ khung cho khu vườn, lá rụng làm phân bón, cỏ vừa giữ ẩm vừa phụ vào cung cấp dinh dưỡng cho đất. Ngoài ra, Dũng muốn đa dạng hệ thực vật bằng việc trồng thêm một số loại cây rừng và cây ăn trái khác. Khu vườn cũng tựa như một quần thể, cần có nhiều cây khác nhau và chúng sẽ cùng chung sống hỗ trợ cho nhau.
Vén cỏ dưới chân để bước qua, tôi cảm nhận sự tươi mát và mong cầu về việc hồi sinh lại những gì thuộc về tự nhiên mà Dũng đang làm. Mọi thứ đều chầm chậm, từ tốn nhưng nhất quán trước sau như chính con người của Dũng. Qua một bên khác của vườn, Dũng hái nhanh cho tôi một quả ổi. Hương vị ổi thơm, ngọt thanh và chát dịu.
– Mùi vị này đúng là quả của cây rừng tự nhiên, không phải ở đâu cũng có được. – Tôi vui vẻ nhận định rồi cùng Dũng đi về phía đồi rẫy của người dân tộc Ê Đê.

Dọc lối đi, Dũng tiếp tục câu chuyện về những khu vườn quanh đây. Có chút lưỡng lự và nuối tiếc khi cả hai bước qua những vườn độc canh cà phê. Con người đâu phải ai cũng chịu được cảnh một mình, cà phê, dù là thực vật nhưng nhỡ đâu chúng cũng cảm thấy cô đơn khi sống giữa những cánh vườn? Một vài thoáng qua trong dòng suy nghĩ của tôi, mà có khi Dũng cũng cảm nhận điều đó. Cả hai im lặng bước đi, liếc nhìn một cái rồi đăm chiêu thở dài…
Đi chừng 1km là hết các khu vườn trồng cà phê, phía trước là cánh đồng lúa đang vào mùa trổ bông, hương sữa ngọt thoảng bay trong cơn gió lành. Men theo bờ ruộng lúa, đi về phía vùng đất mà người dân tộc Ê Đê sinh sống, Dũng chia sẻ trong niềm hân hoan xen chút ngưỡng mộ:
– Ở đây còn nhiều khu vườn tự nhiên, đa dạng các loại cây lắm, người Ê Đê họ không khai phá hết như bên kia.
Nắng chiều vương lại trên mấy ngọn cây muồng rồi dần lịm đi. Khi băng qua cánh đồng, Dũng và tôi ngồi lại bên bãi bồi thuộc địa phần của người dân Ê Đê, nhìn về phía những khu vườn Krông Năng.

Tôi bắt đầu hỏi Dũng về hành trình canh tác cà phê vườn rừng:
– Điều gì đã thôi thúc Dũng canh tác cà phê theo hệ sinh thái tự nhiên bây giờ?
– Thật ra, trước khi tập trung vào cây cà phê Dũng bắt đầu với cây tiêu trước. Ngày rời thành phố về quê, Dũng thấy mọi người tập trung trồng tiêu theo kiểu, đặt mua những cột bê tông rồi cho cây tiêu leo lên đó, tiếp đó họ loại bỏ những cây trồng khác. Khi quan sát thấy vậy Dũng nghĩ, tại sao lại lãng phí tài nguyên đến thế, dù lúc đó Dũng chưa hiểu về canh tác tự nhiên. Nên thay vì mua cột bê tông Dũng trồng cây muồng đen và cây keo đậu cho tiêu leo lên, đồng thời giữ cỏ và nhiều cây khác trong vườn. Kết quả là, sau vài năm, những vườn trồng tiêu bằng cột bê tông cây bị chết gần hết, lý do là nắng gắt khiến những chiếc cột nóng khủng khiếp cây tiêu cũng chết dần. Còn nhìn lại vườn của Dũng, cây vẫn xanh tốt tới tận bây giờ. Từ điều đó Dũng dần nhận ra thiên nhiên rất kỳ diệu, có một niềm tin mon men hình thành từ đó. Sau nhiều trải nghiệm về cây trồng, Dũng càng củng cố niềm tin về việc canh tác tự nhiên hơn. Về sau, khi mình đọc, trải nghiệm rồi được gặp gỡ những anh chị tâm huyết với hệ sinh thái vườn rừng và canh tác cà phê, Dũng càng định hình rõ hơn về con đường mình chọn – Đó là quay lại khôi phục rừng nguyên sinh xưa kia, trồng cà phê dưới những tán cây xanh.
– Khi nhận ra được hướng canh tác đó, Dũng có nghĩ đến việc thay đổi các nông hộ xung quanh không?
– Từ cà phê, tiêu hay cây trái khác, đa số mọi người trồng độc canh, đến mùa thu hoạch rồi bán cho đại lý. Họ nghĩ đó là cái vòng an toàn nhưng thực ra ở đó không còn an toàn nữa. Dũng nhận ra nhưng không biết chia sẻ với ai. Trước đây, Dũng đã từng kêu gọi, ngồi chia sẻ với người dân nhưng không ai nghe hết. Lúc đó, Dũng hiểu là muốn thay đổi thì phải từ từ và thay đổi mình trước đã. Nên về sau này, Dũng cũng thuyết phục được cậu và một bạn thân chuyển đổi canh tác cà phê. Dần dần thì chính họ sẽ thuyết phục những mọi người trong gia đình, người thân xung quanh. Chỉ có cách đó thôi.
– Đó là thách thức về con đường thay đổi mọi người xung quanh. Còn ở Dũng, khi xác định canh tác cà phê theo hệ sinh thái vườn rừng. Dũng có gặp khó khăn gì không?
– Có chứ! Rất nhiều nữa.

Giọng cậu vẫn từ tốn. Khoảnh khắc sau đó, Dũng bắt đầu kể lại:
– Trong thời gian đầu, chỉ riêng việc giữ cỏ – dọn cỏ là vấn đề tranh cãi cực kỳ lớn giữa Dũng và mẹ. Đến mức, suốt một thời gian dài Dũng với mẹ vô cùng căng thẳng. Dũng thì muốn giữ cỏ lại còn mẹ âm thầm ra dọn cỏ. Việc này cứ kéo dài, Dũng vẫn cương quyết giữ cỏ để thực hiện công việc cải tạo đất. Sau này, mẹ thấy Dũng khá lì nên đồng ý để Dũng làm khoảng 2 năm xem kết quả thế nào và tới bây giờ luôn.
– Bên cạnh câu chuyện bất đồng quan điểm với mẹ, Dũng có phải chịu áp lực tài chính không?
– Ngày mới bắt đầu Dũng đã đặt cược bằng một khoản vốn lớn. Để cải tạo vườn Dũng phải đi vay vốn ngân hàng, mua thêm đất để mở rộng vùng cách ly rồi các loài cây đa dạng để trồng trong vườn. Bởi hệ sinh thái vườn rừng là phải đa tầng, đa tán nên mình không thể chỉ trồng một hoặc hai giống cây.
– Nhắc đến chuyện này Trà nhớ đến một người anh cùng quê. Anh ấy cũng đang làm nông nghiệp hữu cơ. Nhưng trước đó, anh ấy gặp không ít khó khăn về tài chính, kiến thức làm nông và có một điều anh ấy nói rằng việc nghi ngờ bản thân, áp lực gia đình, cảm giác cô đơn khi bước vào con đường này chính là khó khăn lớn nhất. Ở Dũng có gặp phải chuyện này không?
– Điều này đúng đó. Thực ra, ngay từ khi bắt đầu, Dũng cũng không có sự chắc chắn con đường mình chọn đúng hay sai. Phải mất 3 năm để đánh giá, nhiều người cũng đã bỏ cuộc giữa chừng. Lại thêm không thể chia sẻ, không nhận được sự ủng hộ của người thân. Thậm chí, thời gian đó Dũng không nhận được sự ủng hộ của bạn bè. Gần như không ai ủng hộ hết.
Dũng trầm lại khi nhắc về cảm xúc đã từng. Lúc đó, tôi ước chi có thể vỗ vai cậu ấy, rồi chia sẻ rằng: “Tôi hiểu và đồng cảm với Dũng. Tuy câu chuyện khác nhau, nhưng cảm giác cô đơn trên con đường mình bước đi, đã từng bị gia đình phản đối kịch liệt là khoảng thời gian chẳng dễ chịu và chẳng dễ dàng gì để bước qua. Hơn hết là sự hoang mang về con đường đã chọn đó, chẳng thể nói trước đúng – sai, chỉ có một ngọn lửa cứ âm ỉ bên trong mãi, thôi thúc mình phải làm bằng được. Tôi ấy mà, cũng đã từng như thế.”

Để bầu không khí trở lại, tôi hỏi Dũng:
– Vậy phải công nhận là, lựa chọn vô cùng mạo hiểm nhỉ? Nhưng vì sao Dũng vẫn cương quyết đi theo con đường này?
– Đây là điều vô cùng mạo hiểm, nhưng lý do lớn nhất có lẽ là đam mê và sự trân trọng của mình với thiên nhiên. Từ việc trồng tiêu, rồi chuyển sang cà phê. Càng làm mình càng khám phá ra những điều thú vị từ thiên nhiên.
– Nghe hay đó, Dũng có thể chia sẻ cụ thể hơn những điều mình khám phá được cho Trà biết với?
Cứ như hỏi đúng điều cậu trai trẻ tâm đắc nhất, cậu bật cười rồi hào hứng chia sẻ:
– Dũng nhận thấy, con người cũng giống như một cái cây. Ví dụ, nếu một người bị ốm đó, họ sẽ mua thuốc tây để tiêu diệt triệu chứng mà không quan tâm đến nguyên nhân vấn đề. Nguyên nhân ở đây có thể là lối sống, nguồn dinh dưỡng họ nạp vào. Còn thuốc, đã là thuốc sẽ có độc, bởi khi nó tiêu trừ được triệu chứng này thì đồng thời nó cũng tiêu trừ được cái khác. Cây trồng cũng vậy, khi mình sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh cũng sẽ đồng thời tiêu diệt hệ vi sinh vật trong đất và hệ lụy là sinh ra các bệnh khác. Muốn cây khỏe thì hãy chăm hệ sinh thái đất. Đất tốt thì trồng cây gì cũng được hết. Khi Dũng trồng cà phê. Điều quan tâm trước tiên của Dũng là cải tạo đất tốt, hệ sinh thái đa dạng thì cây cà phê cũng khỏe hơn, cho chất lượng tốt hơn. Cà phê chất lượng, trước hết là bắt đầu từ vườn trồng. Có một điều chắc chắn đó là, cà phê độc canh sẽ không bao giờ ngon bằng cà phê trồng trong rừng.
– Theo Dũng, hệ tương các loại cây trồng ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cà phê?
– Có một điều thú vị đó là, không chỉ con người hay các loài động vật biết cách giao tiếp với nhau, các loài cây cũng vậy. Chúng trao đổi nhờ sự rung động của các rễ cây, để cảnh báo sự nguy hiểm của sâu bệnh. Trong một vườn đa tầng tán, độ chín của trái sẽ đảm bảo hơn vườn độc canh. Ở khu vườn độc canh, trái gần như bị chín ép vì nắng gắt chiếu trực tiếp, không có độ che phủ cho cây, rễ cây dễ bị cháy do không có sự bảo vệ bề mặt đất nên thiếu đi khả năng hút các chất dinh dưỡng trong đất và khi đó buộc người trồng phải bón các loại phân hóa học để bổ sung. Thông thường, mọi người nhìn cây cỏ là cây cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính nên loại bỏ. Và thường họ cho rằng trồng cây gì thì thu hoạch cây đó những cây còn lại đều là có hại. Nhưng trong hệ sinh thái tự nhiên, không có cây nào là cây có hại, mỗi cây sinh ra đều có vai trò của nó. Như cỏ, cỏ giúp che phủ đất, bảo vệ rễ cây khỏi ánh nắng trực tiếp. Khi cỏ lớn mình cắt phần cành lá sẽ phân hủy tạo thành phân bón tự nhiên cho cây trồng và giữ ẩm cho đất. Từ đó sản sinh ra các loại vi sinh vật, là môi trường cho con giun con dế sinh sống. Vậy đó, càng làm mình càng nhận ra những vấn đề thú vị và đó là sự thật. Trên thực tế cũng nhiều nơi họ làm vườn theo hệ sinh thái tự nhiên như vậy nên mình biết lựa chọn mà mình từng hồ nghi là đúng.

Tôi thích thú với cách so sánh của Dũng và những điều cậu ấy chia sẻ. Phải là một người đủ kiên trì, chịu khó quan sát mới có thể nhận ra những điều thú vị từ thế giới tự nhiên. Vừa gật gù khi khám phá những điều mới, tôi hỏi thêm:
– Nhìn lại chặng đường canh tác tự nhiên đã đi qua, Dũng thấy điều may mắn nhất là gì?
– Bây giờ nhìn lại, Dũng thấy may mắn được gặp những anh chị tâm huyết và ủng hộ con đường mình đi. Bên cạnh đó, khi Dũng bắt đầu làm vườn, là khi phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ bùng nổ ở Việt Nam. Ngày đó, có một nhóm về nông nghiệp bền vững nên mình học hỏi được ở các anh chị trong nhóm rất nhiều.
– Còn quá trình đưa sản phẩm cà phê vườn nhà Dũng ra thị trường có khó khăn không?
– Hồi mới chuyển đổi canh tác thì cà phê thu hái vẫn chỉ nhập bán đại lý ở đây. Lúc đó Dũng nghĩ, tại sao cà phê mình cũng làm tốt như tiêu mà phải bán với giá thấp như thế này. May mắn là đến năm 2019 thì gặp anh Đức, bắt đầu có những trao đổi về việc thu hái, sơ chế cà phê và đưa giá trị cà phê chất lượng từ vườn rừng tự nhiên ra thị trường. Dũng cũng tự trải nghiệm việc bán hàng và nhận ra niềm tin mình xây dựng rất quan trọng, Có những khách mình đưa cà phê và để họ dùng trong khoảng 2 tháng, sau đó mọi người phản hồi tốt và đều quay lại.

– Có một vấn đề bấy lâu nay của cà phê, đó là việc tẩm trộn. Bây giờ cũng có nhiều biến chuyển rồi nhưng đa phần mọi người vẫn uống thức uống bị trộn nhiều thứ. Dũng cảm thấy thế nào về việc này?
– Dũng muốn thay đổi. Quay lại câu chuyện về việc đưa tiêu ra nước ngoài, Dũng nhận thấy Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhưng đâu đó, trên chính mảnh đất trồng cà phê, mọi người vẫn chưa phân biệt, thậm chí không quan tâm đến việc dùng cà phê nguyên chất. Dũng muốn thay đổi từ việc canh tác đến chất lượng cà phê mà mọi người sử dụng mỗi ngày. Cà phê, đơn giản là cà phê thôi.
– Vậy ở điểm này, Dũng và anh Đức có định hướng gì không?
– Thực ra, kết hợp với anh Đức là một hành trình dài. Dũng sẽ đảm nhận làm tốt phần canh tác cây cà phê. Dũng muốn đồng hành cùng những nông hộ trồng cà phê, nhưng không chỉ dừng ở việc thu mua mà còn hỗ trợ, giúp người nông dân làm nông nghiệp bền vững. Điều quan trọng mà Dũng muốn trao tới họ là những giá trị bền vững về cây trồng, về môi trường chứ không chỉ về mặt kinh tế. Mà muốn vậy thì mình phải học, phải cố gắng làm tốt nhất sau đó đơn giản hóa để mọi người đều hiểu và làm được.
– Trà khá bất ngờ về điều này đó Dũng. Bấy lâu nay, Trà cứ nghĩ việc đồng hành với nông hộ sẽ hỗ trợ đầu ra sản phẩm, giúp họ bán với giá tốt nhất. Trà chưa từng nghĩ nhiều đến việc đồng hành là bắt đầu từ khâu canh tác…
– Đúng vậy đó, nhiều bên họ cũng đang hỗ trợ và khuyến khích nông dân thu hái chín, làm cà phê FineRo hay cà Arabica chất lượng cao. Dũng và anh Đức thì muốn đi từ gốc trước. Tiếp sau đó là câu chuyện làm cà phê chất lượng, nâng cao giá trị cà phê trên thị trường. Hành trình này quả thực rất dài, rất gian nan.
– Nhưng hành trình ấy xứng đáng để mình bỏ tâm huyết ra phải không? Mong rằng, trong tương lai gần tới sẽ có nhiều khu vườn cà phê như Dũng đang làm.
…
Buổi chiều đang dần chìm hẳn. Tiếng ếch nhái kêu âm ỉ cùng tiếng chim ríu rít từ phía cánh rừng vọng lại. Dũng và tôi ngồi quan sát cảnh vật, một khoảng im lặng đủ để tôi thấy hạnh phúc với cuộc trò chuyện vừa qua. Khi bóng tối bắt đầu xuất hiện, cả hai rảo bước đi về phía Krông Năng.

Sau cuộc gặp gỡ với Dũng, tôi nhớ đến ngày còn nhỏ, mỗi khi cần thúc giục việc học mẹ sẽ nói: “Học không được sau này chỉ có thể về làm nông”. Có lẽ, trong thế giới của mẹ, việc làm nông chỉ dành cho những người phải bước vào “đường cùng”, là những người thuộc tầng lớp thấp bé trong xã hội. Tôi đã mang theo suy nghĩ ấy cho đến khi học xong Đại học, và ngay lúc này, tôi chỉ muốn gọi về chia sẻ với mẹ những trải nghiệm trong chuyến đi và bày tỏ rằng: “Người con ngưỡng mộ nhất có lẽ là những người làm nông nghiệp. Những người canh tác cây trồng hướng về thiên nhiên”. Có thể lắm, mẹ sẽ vô cùng bất ngờ về điều này.
Những người nông dân như Dũng, vừa cần đôi bàn tay chịu khó, tỉ mỉ vừa cần sự nhanh nhạy học hỏi, tìm hiểu đa dạng kiến thức về hệ sinh thái tự nhiên và cây trồng. Nếu không đủ nhiệt huyết, say mê thì làm sao có thể theo đuổi được con đường làm nông nghiệp này! Tôi ngưỡng mộ vì lẽ ấy.
Cuộc trò chuyện với Dũng vừa giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều thú vị về thiên nhiên, vừa hiểu sâu hơn “nơi mà cây cà phê lớn lên” đã trải qua những gì. Đặc biệt là, câu chuyện của Dũng – câu chuyện đầy cảm hứng, ít nhất là với tôi. Hành trình dài kiên trì học hỏi, bất chấp khó khăn và kiên định với giá trị mình theo đuổi. Câu chuyện của cậu ấy cũng là động lực, niềm tin mà tôi hiểu rằng, giữa những cuộc chạy đua buộc người ta phải thành công về địa vị, về số tiền có trong tài khoản… thì ở vùng đất đỏ bazan, có một chàng trai bước từng bước vững chắc. “Thành công” mà cậu hướng đến chính là trồng cà phê chất lượng dưới tán rừng xanh và xây dựng cộng đồng canh tác nông nghiệp theo hệ sinh thái vườn rừng tự nhiên.
—
